Vào ngày hôm qua, các nhà khoa học cho biết 1 bé gái 2 tuổi rưỡi ở
Mississippi, Mỹ sinh ra đã mang virus HIV nhưng sau khi được điều trị
sớm, bé đã không phải dùng thuốc trong 1 năm qua và không hề có biểu
hiện nhiễm bệnh.
Tiến sỹ Deborah Persaud, nhà
virus học tại Đại học Johns Hopkins, Baltimore, đã trình bày kết quả này
tại một hội nghị y khoa ở Atlanta mới đây. Bà cho biết “Đây là bằng
chứng cho thấy HIV hoàn toàn có thể chữa được ở trẻ sơ sinh.”
Chưa
có gì để đảm bảo rằng cô bé sẽ vẫn khỏe mạnh trong những năm tiếp theo,
tuy nhiên, kết quả này mở ra hi vọng về việc chữa khỏi bệnh cho các em
nhỏ nhiễm HIV trong những năm tháng đầu đời.
Và
nếu bé gái này vẫn khỏe mạnh, thì đây sẽ là trường hợp nhiễm HIV thứ hai
trên thế giới được chữa khỏi. Vào năm 2007, Timothy Ray Brown đến từ
San Francisco, Mỹ đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được cho là
đã được chữa khỏi HIV.
Brown phát hiện dương
tính với HIV từ năm 1995 khi mới bước chân vào cổng trường đại học.
Brown đã quan hệ đồng tính không an toàn và bị lây nhiễm từ bạn tình.
Timothy
Brown được chữa trị bằng một cách rất đặc biệt. Bác sĩ đã quyết định
cấy ghép cho anh tế bào gốc của một người miễn nhiễm với HIV. Ba tháng
sau khi ghép tủy gốc, các bác sĩ đã không tìm thấy HIV trong cơ thể
Brown.
Thay
vì phương pháp điều trị đắt đỏ của anh Timothy Brown, với trường hợp bé
ở Mississippi, bé được điều trị bằng hàng loạt các loại thuốc đã được
dùng để điều trị cho các bé sơ sinh nhiễm HIV hiện nay.
Bé
gái trên được sinh ra ở một bệnh viện nông thôn. Trước đó, mẹ của bé đã
được xét nghiệm và phát hiện nhiễm HIV. Do mẹ của bé không được điều
trị trước khi sinh nên các bác sỹ ở đây biết rằng nguy cơ bé nhiễm HIV
là rất cao. Bởi vậy, ngay sau đó, các bác sĩ đã chuyển bé tới Trung tâm Y
tế Đại học Mississippi tại Jackson. Tại đây chuyên gia HIV, tiến sỹ
Hannah Gay, đã cho bé dùng thuốc ngay từ khi bé mới chào đời được 30
giờ, thậm chí là trước cả khi có kết quả xét nghiệm khẳng định bé nhiễm
HIV.
Đối
với trường hợp của cô bé 2 tuổi rưỡi này, các nhà khoa học vẫn cần tiến
hành nhiều bài kiểm tra phức tạp hơn nữa để xác định xem phương pháp
điều trị này có đưa ra được hiệu quả tương tự trên cơ thể các em nhỏ
khác không.